Hồng gió - quà của mùa nắng lạnh

Hồng treo gió công nghệ Nhật Bản, còn gọi là hồng gió Hoshigaki được xem như món quà của Đà Lạt. Món mứt ngon nhất khi được hong trong tiết trời nắng gắt, lạnh khô đặc trưng của Đà Lạt mùa cuối năm.

Tại Đà Lạt, vùng Cầu Đất (xã Xuân Trường và Trạm Hành) là “thủ phủ của hồng gió”, nơi có nhiều nhà trưng bày để du khách có thể vừa tận mắt chứng kiến cách nông dân làm hồng gió, vừa thử hồng. Cầu Đất là nơi nhiều cây cối, chưa canh tác nông nghiệp kiểu thâm canh nên không khí sạch. Nơi đây có nắng nhiều nhưng cũng đi kèm theo cái lạnh khô tê tái hơn hẳn khu trung tâm thành phố Đà Lạt. Một điều thú vị là thủ phủ hồng gió Cầu Đất nằm cạnh khu vực Dran (huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) cũng là vùng trồng hồng lâu đời, nổi tiếng ở Lâm Đồng.

Hồng gió Đà Lạt
Quả hồng từ vùng này có chất lượng tốt nhất phù hợp làm nguyên liệu để sản xuất hồng gió như quả to, cuống chắc.

 

Ông Mai Xuân Long (Chủ nhiệm HTX hồng gió Đất Làng Cầu Đất) là một trong những người đầu tiên được chuyển giao công nghệ hồng gió cho biết hồng gió được chế biến ngay từ khi quả còn chưa chín nhưng đã đủ già, còn đong đưa trên cây. Quả hái xuống phải rửa nhiều nước, sau đó gọt vỏ những chừa cuống. Hồng được sấy nhiệt bằng than củi trong một thời gian rất ngắn để lớp vỏ bên ngoài săn lại sau đó treo thành từng dây trong nhà kính. Đây là công đoạn phơi nắng và phơi gió, kéo dài gần 25 ngày. Ngay trong lúc sấy gió và phơi nắng hồng sẽ chín.

hồng gió đà lạt
Với nhiều người thì xem cách tạo ra món hồng treo gió (hồng gió) đã đủ “no con mắt”.
hồng gió Đà Lạt
Hồng treo gió không dùng than đá, than củi mà chỉ dùng nắng và gió tự nhiên.

Phương pháp này của người Nhật có cái hay là hồng chín tới đâu thì được gió và nắng sấy khô tới đó nên thành phẩm mềm, giữ nguyên độ ngọt và vị vốn có của hồng tươi. Nhược điểm của phương pháp này là độ hao hụt sau chế biến rất lớn, nếu thời tiết nắng mưa thất thường thì hồng sẽ rụng cuống hoặc lên mốc không thể sử dụng được. “Miếng mứt hồng gió ngon là mứt hồng còn nguyên cuống, nhìn đó người ta có thể tưởng tượng quả hồng khi còn tươi nó tròn mướt thế nào”, ông Long nói.

 

hồng gió Đà Lạt
Hồng treo gió là phương pháp sấy hồng truyền thống của Nhật Bản không dùng than đá, than củi mà chỉ dùng nắng và gió tự nhiên.

 

Theo ông Long, nhiều người ăn hồng gió thấy có lớp phấn trắng thì lo ngại nấm mốc. Thực ra đó là lớp đường ở bề mặt lên men và đó là loại mứt hồng ngon nhất, đã được bảo quản lạnh ở 4 0C khoảng 1 năm. Hồng gió đã lên men có màu không đẹp nhưng vị ngọt dịu, mùi ấm, dư vị dài hơn mứt hồng gió mới ra lò.

Hồng gió Đà Lạt
Giá mứt hồng gió cao gấp đôi, có thời điểm gấp 3-4 lần so với mứt hồng sấy bằng than đá hoặc than củi.

 

Ông Long cho biết thêm, hồng gió kiểu Nhật cứu nghề trồng hồng ở Đà Lạt nhưng đây là phương pháp sản xuất kỳ công, khoa học. Người sản xuất phải kiên nhẫn canh trời canh đất. “Hồng đang treo, bỗng trời mưa là coi như hư. Nếu mưa ngắn thì dùng máy hút ẩm, máy sấy để hạ độ ẩm, còn mưa kéo dài thì…thôi. Mùa nắng lạnh của Đà Lạt là tốt nhất để làm hồng gió nhưng biến đổi khí hậu làm mình canh chừng cũng vất vả. Mình phải xem dự báo thời tiết và cố gắng thu hoạch, chế biến trong khoảng thời gian có nắng kéo dài. Thời tiết có nắng gió ổn định thì mứt hồng gió sẽ ngon mà tốn công nhiều”, ông Long tâm sự. 

Hồng gió Đà Lạt
Mỗi ngày ông Long và những bà con trong HTX phải canh nhiệt độ 3-4 lần, có gì bất thường thì tìm cách can thiệp ngay.

Với ông Long và những bà con sản xuất hồng gió, chừng nào chén cơm thoang thoảng mùi mứt hồng là có thể làm ra những miếng mứt hồng gió ngon. Có khi không cần canh ngày, nghe mùi mật hồng thoảng trong gió là biết hồng đã thành mứt. 

hồng gió Đà Lạt
Phương pháp hồng gió tiếp nhận từ Nhật Bản đã cứu cho nghề chế biến mứt hồng Đà Lạt tồn tại, phát triển và cứu cây hồng không bị phá bỏ.

Mới cập nhật