Rộn ràng không khí tiễn ông táo về trời ngày 23 tháng Chạp

Ngày 23 tháng Chạp hàng năm là ngày đưa ông Táo về trời. Người Việt chuẩn bị cá chép, ngựa giấy tiễn Ông Công ông Táo lên gặp Ngọc Hoàng, mong ông bẩm báo điều tốt trong năm qua của gia đình.

Truyền thuyết mở đầu Tết xôn xao

Táo Quân có nguồn gốc từ ba vị thần trong mỗi gia đình, gồm Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ theo Lão Giáo của người Hoa. Đến Việt Nam, câu chuyện được truyền lại với sự tích về lòng chung thủy của tình gia đình, vợ chồng, và chuyển hóa thành Thần Đất, Thần Nhà, Thần Bếp Núc.

bếp củi
Cà ràng là chiếc bếp quen thuộc của người dân miền sông nước.

Gia đình Việt Nam thờ cúng Táo Quân với niềm tin họ sẽ giữ gìn sự ấm áp trong bếp lửa gia đình, tình cảm chồng vợ và sự đầm ấm thân quen. Cũng vì ba vị thần luôn sống chung dưới mái nhà, người ta cho rằng họ sẽ biết hết mọi điều chuyện gia đình, nên mỗi năm khi đến kỳ Chầu Ngọc Hoàng, người Việt thường có lẽ cúng, để giúp ông “ngựa xe” lên Chầu, mong bẩm báo điều tốt lành và giảm nhẹ điều chưa tốt của gia chủ, để cuộc sống năm sau sung túc, tốt đẹp hơn.

Lễ cúng ông táo
Hàng năm, khi dịp 23 tháng Chạp đến, cũng là khi không khí Tết đầy khắp từng ngách nhà, ngõ hẻm, và lễ Cúng Ông Táo là tục lệ đơn giản, tốt lành mà rất nhiều gia đình Việt Nam ghi nhớ.

Chuẩn bị gì cho lễ cúng ông Táo?

Nổi bật nhất trong lễ cúng Ông Táo là “phương tiện” về trời, người miền Bắc thường cúng một con cá chép còn sống và bơi khỏe. Nhiều gia đình yêu thích chọn cá chép vàng tươi, để mong hứa hẹn năm mới sẽ rực rỡ hơn. Người miền Trung thường chuẩn bị thêm một con ngựa giấy bằng vàng mã. Người miền Nam thường chỉ cần mũ, áo và giày cho Ông Táo là đủ. Ngoài ra, đồ cúng còn có thêm bánh kẹo ngọt và nước trà, hoặc thêm một con gà luộc (và thường người cúng chuộng gà trống mới tập gáy).

đồ cúng ông táo
Lễ vật cúng ÔngTáo được bài bán khắp nơi.

Nơi đặt bàn thờ tiễn Ông Táo cũng khác nhau tùy vào quan niệm gia đình. Một số gia đình cho rằng Ông Táo là Thần Bếp, nên đặt bàn thờ tiễn trong bếp nhà, gần bếp nấu. Cũng có gia đình coi lễ cúng là dịp quan trọng, thường đặt bàn thờ trên ban thờ chính của gia đình, kèm theo mâm cúng nhỏ trong bếp. Tuy nhiên, bàn thờ dù ở đâu cũng nên được dọn sạch sẽ, bài trí ngăn nắp để Ông Táo hài lòng lên bẩm báo với Ngọc Hoàng điều tốt lành. Tục lệ này cũng nhắc nhở mỗi gia đình nên giữ gìn nơi bếp nấu sạch sẽ, vệ sinh, là nơi bắt nguồn và săn sóc sức khỏe cho cả gia đình.

cá chép ngày 23/12 \
Cá chép là vật phẩm không thể thiếu trong ngày đưa Ông Táo.

Đúng 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp là thời điểm Ông Táo về trời. Vì thế, lễ cúng cần được tiến hành trước giờ này, và khi nhang cháy hết 2/3, các gia đình có thể hoá vàng, đưa cá chép đi phóng sinh. Sau lễ cúng, vàng mã sẽ được đốt, cá chép sẽ được gia đình đem phóng sinh thả ở sông, hồ với mong muốn cá chép sẽ thực hiện nhiệm vụ làm phương tiện giúp ông Táo bay về trời.

Những điều nên chú ý trong lễ cúng Ông Táo

Vài năm gần đây, nhiều gia đình thường đem cá chép ra thành cầu và thả cá từ trên cao xuống, cùng với cả túi nylon. Hành động này không phóng sinh được cá, nhiều khi cá chết ngay trong túi vì thả từ độ cao xuống, lại xả rác ra môi trường, biến tục lệ tốt đẹp thành hành động không đẹp mắt. Vì vậy, các gia đình nên chọn nơi phù hợp để phóng sinh cá, không ném cá từ trên cao xuống gây chết cá, tránh xả rác để ông Táo “không vui” trước lễ Chầu Ngọc Hoàng.

cá chép
Từ sáng sớm người dân đã đi chợ mua cá chép để kịp về tiễn Ông Táo.

Dù hóa vàng là tục lệ quen thuộc xa xưa, thì việc đốt ngựa, áo, mũ, giày cho ông Táo cũng nên được tiến hành cẩn thận, để tránh khói mù, tro bay hoặc làm ảnh hưởng đến các gia đình xung quanh. Bạn cũng cần nhớ Ông Táo chỉ báo cáo những việc nhà năm qua, nên trong lễ cúng Ông Táo bạn cũng không nên cầu xin phú quý, giàu sang mà chỉ xin ông Táo sẽ báo cáo những điều tốt đẹp trong năm của gia đình với Ngọc Hoàng.

lễ cúng ông táo về trời
Ngày cúng ông Công, ông Táo là ngày mở đầu cho cả tháng Tết sắp đến. Sự chuẩn bị chu đáo, nhẹ nhàng sẽ khiến những ngày Tết của gia đình thêm phần ấm áp.

Mới cập nhật