Tìm hiểu về văn hóa thắp hương trong đời sống tâm linh người Việt

Nếu như “miếng trầu là đầu câu chuyện” trong giao tế xã hội ngày xưa thì nén hương luôn là nghi lễ của mọi lễ trọng còn được gìn giữ đến tận hôm nay.

Thắp hương - cách gieo thiện nghiệp

Thời khắc giao thừa đón năm mới, trong mỗi nếp nhà gia đình Việt, dù sang hay nghèo, dù có mâm cao cỗ đầy hay không thì nén hương thơm luôn được chuẩn bị tươm tất để thắp lên bàn thờ gia tiên. Trong bảng lảng khói hương, được ngồi bên cạnh người thân, cảm nhận mùi thơm nhẹ lan tỏa của làn hương làm ai cũng thấy ấm cúng, cảm giác yêu thương gia đình và gắn bó với nhau hơn. Trong đời sống tâm linh, nhiều người tin rằng có thế giới bên kia nên cần “đi thưa, về trình” bằng việc thắp hương trên bàn thờ gia tiên, cầu xin những điều lành trước khi đi xa hay trở về nhà, hoặc những việc quan trọng như học hành, thi cử của con cái...

thắp hương trong đời sống tâm linh người Việt
Dù không phải là một phật tử thuần thành nhưng ngày đầu năm tôi vẫn thích đi chùa lễ Phật.

Tôi thích ngắm những hình ảnh đẹp gợi lên cho mình tình cảm ấm ấp. Đó là cả gia đình nhiều thệ hệ, những cụ ông, cụ bà, nam thanh nữ tú, những em bé xinh xắn ăn mặc chỉn chu, đẹp đẽ cầm nén hương thành kính khấn vái, gửi ước nguyện theo làn khói hương nghi ngút. Cây hương bé nhỏ nhưng lúc nào cũng ngay thẳng nhắc nhở con người tâm lúc nào cũng an trú trong chánh niệm, không u mê, cuồng tín. Người cầu nguyện không phải phó thác cho may rủi mà cảm thấy được tiếp thêm sức mạnh vô hình để cố gắng thực hiện, đạt được điều mong muốn như cầu mong một năm mới an khang, thịnh vượng, sức khỏe, bình an hay tình duyên, tài lộc...

thắp hương trong văn hóa tâm linh người Việt
Cây hương còn mang trong mình “sứ mệnh” tỏa lan lòng nhân ái, ý thức mỗi khi cắm hương là chúng ta đang gieo thiện nghiệp, cầu mong những điều tốt đẹp được nảy nở trên mảnh đất tình người.

Không ai vội vàng khi thắp hương mà phải dọn lòng thanh sạch, thật sự tĩnh tâm, xua những điều ác, những tham dục vọng để nghĩ đến điều an lành, tử tế. Nén hương thắp lên chỉ trong chốc lát là tàn, điều này như một triết lý sâu sắc về nhân sinh, nhắc nhớ đến sự vô thường của đời người. Tức không có gì là vĩnh viễn, tất cả đều giả tạm, có đó rồi mất đó... Hãy sống ngay thẳng và tỏa hương thơm như nén hương kia, dù mỏng manh nhưng trước khi tan biến cũng đã để lại những điều thiện lành cho người khác soi rọi mình vào đấy!

Nghề làm nhang- gian nan giữ nghề truyền thống

“Hương” là cách gọi trang trọng mỗi khi thắp lên thực hiện nghi lễ cúng, còn cách gọi đời thường, người dân vẫn quen gọi là nhang. Có cầu ắt phải có cung, làm nhang là một nghề truyền thống có từ lâu đời ở nhiều làng quê từ Bắc vào Nam. Qua nhiều năm tháng thăng trầm, nghề làm nhang hiện nay có nhiều thay đổi về kỹ thuật, đầu tư máy móc như máy trộn bột, máy lừa tăm, máy phóng nhang… cho năng suất cao thay cho những công đoạn thủ công nhưng không thu hút được người trẻ nữa. 

nghề làm nhang
Ở các làng nghề đa số lao động đều là người già và phụ nữ cặm cụi làm nhang.

Nhang truyền thống được làm từ nguyên liệu thảo mộc thiên nhiên, có mùi thơm đặc trưng của tinh hoa trời đất được người tiêu dùng ưa chuộng, cung cấp cho thị trường trong nước và cả xuất khẩu. Mỗi địa phương đều có những dòng sản phẩm độc đáo làm nên thương hiệu riêng của từng vùng, có thể kể đến như quế (Yên Bái), đại hồi (Lạng Sơn), ngâu (Thái Bình), trầm hương (Quảng Nam)… Tại TP.Hồ Chí Minh, làng nghề làm nhang tập trung tại xã Lê Minh Xuân và Bình Lợi (Bình Chánh).

nghề làm nhang
Tại Dĩ An (Bình Dương) có làng nghề làm nhang trên trăm năm tuổi, dù qua rồi thời hoàng kim nhưng nơi đây vẫn còn giữ nghề chẻ tăm nhang và se nhang từng nổi tiếng một thời.

Nguyên liệu làm nhang chính là bột cây keo, mạt cưa, bột thơm… nhưng bí quyết là phải được hòa trộn với một tỉ lệ nhất định để khi ra thành phẩm, thắp nhang nhanh chóng bắt lửa, có mùi thơm dễ chịu và lâu tàn. Trước đây khi chưa có máy móc hỗ trợ thì trộn bột là khâu quan trọng, đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm, trộn phải thật đều tay. Khâu se nhang cũng vậy, để có những cây nhang dính chắc, đều, đẹp, người thợ phải thật khéo tay, hiện nay đã có máy làm những công đoạn này.

làng nghề làm nhang
Để có những cây nhang dính chắc, đều, đẹp, người thợ phải thật khéo tay

Tăm nhang được chọn lấy từ những gốc tre già, tùy kích cỡ các loại nhang mà chẻ lớn hay nhỏ. Các loại nhang lớn dùng để thượng hương còn có thêm công đoạn vẽ màu hoa văn trang trí… nên có thể nói những người làm nhang lâu năm cũng là những nghệ nhân giữ lửa cho nghề. 

nghề làm nhang
Nghề làm nhang quanh năm nhưng tập trung nhiều nhất vào các dịp Tết Nguyên đán, các tháng có ngày rằm lớn trong năm như tháng Giêng, tháng Bảy, tháng Mười âm lịch.

Trải qua nhiều biến thiên theo chiều dài lịch sử, người dân Việt Nam dù có ở đâu, làm gì đều xem việc thắp hương trên bàn thờ tổ tiên là nghi lễ quan trọng không thể thiếu trong các dịp lễ Tết, giỗ chạp… Có thể nói nén hương có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung.

Mới cập nhật