Chợ nổi - nét duyên miền sông nước
02
07, 2024

Chợ nổi - nét duyên miền sông nước

Văn hóa chợ trên sông

Cái thú của du lịch chợ nổi là mọi hoạt động giao thương đều nhóm họp bằng ghe, xuồng. Ngày xưa là xuồng ba lá, xuồng năm lá, ghe tam bản. Bây giờ có thêm cả tắc ráng, ghe máy xập xình. Người đi mua hay tham quan cũng đến chợ bằng xuồng, ghe. Những chiếc xuồng con len lỏi khéo léo giữa hàng trăm ghe thuyền mà hiếm khi có va quẹt.

cho_noii_net_duyen_mien_song_nuoc.-06.jpg
Nếu trước đây người ta buôn bán chủ yếu là trái cây, những sản vật cây nhà lá vườn thì giờ đây mặt hàng đa dạng và phong phú hơn từ thực phẩm, đồ gia dụng cho đến tất cả các món ăn dân dã, đậm chất Nam bộ như: bánh tét, bánh nếp lá dừa, bánh lọt, đậu hũ, bánh phồng…

Nhiều người lần đầu tiên đến chợ nổi sẽ không khỏi ngạc nhiên khi thấy trên mỗi chiếc ghe có cắm một cây sào cao. Bằng sự cởi mở, nồng hậu, các thương hồ sẽ cho bạn biết đó là “cây bẹo”. Người thương lái cứ thế gác trên cây bẹo hàng hóa mà chủ nhân muốn bán. Người mua chỉ việc rẽ nước, xuôi thuyền, lựa chọn hàng hóa cần mua. Không ồn ào, vồn vã, không níu kéo, mời rao nhưng “bẹo hàng” lại có sức thu hút mạnh mẽ bởi cả một bến sông dài như được khoác lên mình chiếc áo rực rỡ của muôn vàn cây trái, hoa quả. Đặc biệt nhất là hình thức “bẹo lá bán ghe”, nếu gặp chiếc ghe “bẹo” một tấm lá lợp nhà nghĩa là người chủ muốn bán chiếc ghe ấy.

cho_noii_net_duyen_mien_song_nuoc.-02.jpg
“Bẹo hàng” hay “treo gì bán đó” là sự thú vị đằng sau mỗi cây bẹo mà du khách không thể bỏ qua.

Chợ nổi nhóm họp hằng ngày, rất sớm từ 3, 4 giờ sáng và tan chợ cũng chỉ tầm 9,10 giờ nhưng có lẽ du lịch chợ nổi vui nhất, đẹp nhất là khi xuân về. Không gian như được tô vẽ thêm nhiều màu sắc rực rỡ của các loài hoa, các loại trái cây chưng Tết. Đặc biệt, vào những ngày này, ngoài sự nhộn nhịp của trao đổi buôn bán, không khí còn rộn rã hơn bởi trên ghe luôn văng vẳng những điệu nhạc tươi vui, những bài ca cổ đón xuân, mong làm ăn thuận lợi, đón Tết sum vầy.

cho_noii_net_duyen_mien_song_nuoc.-04.jpg
Dịp Tết, chợ họp thời gian lâu hơn và có khi tới tận chiều 30 Tết, mới tan chợ.

Thương hồ miền sông nước

Chợ nổi không chỉ có ghe thuyền qua lại để lấy hàng hóa rồi tỏa đi các nơi buôn bán mà ở mỗi khu chợ đều có những gia đình thương hồ sinh sống ngay trên ghe của mình. Từ thế hệ này sang thế hệ khác, họ xem ghe như một thành viên trong gia đình và sóng nước mênh mang là người hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau.

cho_noii_net_duyen_mien_song_nuoc.-03.jpg
Cuộc sống của những thương hồ chợ nổi tuy vất vả, nhưng nếu một lần đến đây, chúng ta sẽ cảm nhận rõ cái tình sông nước ở họ mênh mông đến nhường nào.

Họ không chỉ buôn bán mà còn tự rèn luyện bản thân thích nghi với sông nước. Họ chèo chống, luồn lách rất điêu luyện, có thể nhảy từ xuồng này sang xuồng khác như đang bước đi trên đường mà miệng vẫn vui cười, đon đả chào mời khách. Thỉnh thoảng, khi mệt mỏi, người thương hồ lại thư giãn bằng một câu vọng cổ - món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân miền Tây – để lấy lại tinh thần và tiếp tục công việc mưu sinh.

cho_noii_net_duyen_mien_song_nuoc.-05.jpg
Một lần đến với chợ nổi, bạn sẽ không thể quên cách mời chào thân tình, tiếng gọi nhau í ới, tiếng tành tạch của những chiếc ghe lướt sóng trên sông, tiếng hò, tiếng cười giòn tan của những thương hồ chân chất…

Ngồi trên chiếc xuồng ba lá chòng chành sóng nước, ăn một món ăn dân dã miền Tây, nghe một câu hò vọng cổ chúng ta sẽ cảm nhận rõ hơn cuộc sống mưu sinh của người dân nơi đây, cảm nhận rõ hơn nét đẹp văn hóa mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất chín rồng.

CHÚNG TÔI LUÔN Ở ĐÂY ĐỂ LẮNG NGHE BẠN

Trong tất cả các dự án - sản phẩm, chúng tôi luôn nỗ lực mang lại những sản phẩm chất lượng, cung cấp những dịch vụ làm tăng thêm giá trị của khách hàng.

Contact now (024) 35 190 879
Chợ nổi - nét duyên miền sông nước