07, 2024
Ghé Quận 8 nghe ký ức về cây cầu Nhị Thiên Đường
Sài Gòn với chi chít những cây cầu và lớp lớp các bến thuyền đã vẽ nên nét phồn hoa “hòn ngọc viễn đông” trứ danh trong suốt cả trăm năm lịch sử. Ngày nay, sự lột xác ngoạn mục của các bến sông đã khoác 1 lớp áo hiện đại, năng động cho nhịp sống thành phố, song cũng làm biến mất nhiều dấu tích lịch sử độc đáo trên các dòng sông. Trong số này, cầu Nhị Thiên Đường của quận 8 là 1 điển hình...
Cây cầu có hình dáng cổ xưa nhất trong thành phố
Nếu đã 1 lần đi qua Cầu Nhị Thiên Đường cũ của quận 8 TPHCM, ít ai lại có thể quên được vẻ ngoài đặc biệt của nó. Đó là hàng cột xanh rêu trên cầu và các mái vòm cong cong dưới chân cầu. Thực tế, đây cũng là 1 trong những cây cầu già cỗi nhất Sài Gòn. Cầu do Pháp xây dựng năm 1925, trong thời đại hoàng kim của cầu sắt. Tuy vậy, cây cầu huyết mạch nối Chợ Lớn với miền Tây này, lại là 1 ngoại lệ, khi nó được xây hoàn toàn bằng bê tông cốt thép.
Ngoài thân cầu, thì cả các cột đèn trên cầu cũng bằng bê tông, trong khi đa phần các trụ đèn đường thời xưa của thành phố đều được Pháp làm bằng thép đúc! Một số trong các cột này có chiều cao lớn hơn và hai bên có hai “tai” dài ra. Theo những người sống lâu năm ven cầu, hai tai này là để treo 2 hai đèn hộp, dạng vuông. Lúc đầu, các đèn treo này, có thể là đèn dầu, sau chuyển thành đèn điện. Và màu xanh của cột tương tự sắc xanh của ô cửa sổ trong các biệt thự Pháp xưa cũ.
Cây cầu có tên gọi đặc biệt và gây ngộ nhận nhất
Hiện tại, cầu lại có 2 cây song song đi cạnh nhau, nên rất nhiều du khách mới đến với TP.HCM cho rằng đó là nguyên nhân của cái tên Nhị (tức hai cây) Thiên Đường (tức đường lên thiên đường – với hàm ý khoe chiều cao). Tuy nhiên, thực tế suy diễn nghe có vẻ logic này lại hoàn toàn “trật lất” với xuất xứ (như đã nói trên). Nguyên cớ để tên gọi Nhị Thiên Đường gắn với cây cầu này, đơn giản lại từ 1 sự tình cờ.
Nhị Thiên Đường vốn là tên 1 hãng dầu lừng lẫy trong chợ Lớn thời giữa thế kỉ 20. Hãng dầu này kinh doanh đa ngành nghề, có cả in sách lẫn buôn bán gạo. Vì thưở xưa, cạnh chân cầu có 1 kho gạo khá lớn của hãng này, nên cho dễ nhớ, dân gian đã lấy luôn Nhị Thiên Đường để gọi tên cây cầu. Trước khi có tên dân gian là Nhị Thiên Đường, cầu còn có 1 tên gọi khác từ lúc mới hình thành, đó là Cầu Mới!