07, 2024
Hà Nội rực rỡ sắc đỏ hoa gạo những ngày tháng 3
Hoa gạo còn có cái tên mĩ miều đầy chất thơ là Mộc Miên hay Pơ Lang, nhưng đi sâu vào tiềm thức nhiều người con đất Bắc vẫn là cái tên bình dị, mộc mạc và giản đơn nhất – Hoa Gạo. Không nhẵn nhụi như bao loài cây khác, thân gạo xù xì mang đậm dấu vết thời gian. Cả một mùa đông, cây trút bỏ hết lá, lặng lẽ cô liêu im lìm phơi sương gió. Từng cành cây trơ trụi, mốc meo như thể đã chết khô từ bao giờ.
Rồi mùa xuân đến. Khi vạn vật sinh sôi, cây cối đâm chồi nảy lộc, thì trên cái thân khô trơ trụi ấy cũng chẳng có nổi một mầm xanh. Dường như cây đang lặng lẽ chắt chiu, góp nhặt dồn toàn bộ nhựa sống để dành cho một mùa hoa rực rỡ nhất. Đến khi xuân bắt đầu tàn, trên những cành khô gầy guộc, những bông hoa lửa bất ngờ bung nở, chen lấn sin sít nhau cháy đỏ một khoảng trời, chốc chốc gieo mình theo làn gió, khi lìa cành vẫn còn nguyên sắc, nhuộm đỏ cả con đường.
Chẳng khoác lên mình vẻ lộng lẫy kiêu sa, cũng không mong manh yếu đuối, hoa gạo gắn liền với vẻ đẹp thanh bình, dân dã nơi miền quê xứ Bắc. Vì vậy, chẳng biết từ bao giờ, hoa gạo trở thành nguồn cảm hứng bất tận trong thơ ca của những người nghệ sỹ, những người yêu thích vẻ đẹp thiên nhiên, và cũng là kỉ niệm khó phai của những người con xa xứ.
“Tháng ba về, em có biết không?
Hoa gạo nở, đỏ vùng trời thương nhớ
Mây trắng trôi, băng qua miền cách trở
Gió thì thầm, khẽ hát khúc tình ca
Tháng ba về, những nỗi nhớ không tên
Mùa gạo đỏ, đường quanh co nắng sớm
Rét nàng Bân giữa ngày xuân bất chợt
Chạnh lòng mình chút trống vắng, cô liêu”
(“Em nghe không, tháng ba về” - Phạm Ngọc Giao)
Thời gian trôi. Ai rồi cũng sẽ lớn lên, vì cuộc sống mưu sinh mà có thể phải rời xa nơi xóm làng thân thuộc. Chỉ có cây gạo vẫn đứng đó như một chứng tích thời gian, lặng lẽ lắng nghe biết bao câu chuyện buồn vui của bao thế hệ nơi miền quê nhỏ. Mặc cho bão tố phong ba, dầm mưa dãi nắng, cây vẫn thuỷ chung chờ đợi những người con xa xứ trở về, sừng sững như cột mốc thân thương để bất cứ ai dù xa quê bao năm cũng không lầm đường lạc lối.
Để rồi cứ mỗi độ tháng ba, khi hoa bưởi bắt đầu khép hương, người ta lại thổn thức nhớ một mùa hoa đỏ thấm đẫm hồn quê sắp ùa về theo gió, về những ngày tháng ba cũ kỹ nhuốm màu thời gian. Và cứ mỗi lần bất chợt nhìn thấy bóng dáng một cây gạo đang trầm mặc thả vào trời những đốm lửa rưng rưng đỏ ấy, lòng người bỗng dưng chùng lại với nỗi buồn man mác về những hoài niệm ấu thơ rạng ngời trong ký ức.