07, 2024
Người đàn ông Việt chuyên khắc chữ làm quà tặng tổng thống Hoa Kỳ
Với nhiều người, tặng quà là gửi gắm tấm chân tình và thường sẽ có 1 vài chữ để lưu giữ kỉ niệm. Dĩ nhiên, không phải ai cũng có được nét chữ đẹp. Vì vậy, nhiều người thường tìm đến “người bán chữ đẹp” để nhờ ghi khắc lên kỉ vật, món quà của mình. Ngày nay khi công nghệ tiên tiến, máy khắc chữ ra đời giúp người ta dễ dàng có được những con chữ theo ý muốn. Thế nhưng, sự rập khuôn của máy móc sẽ không thể nào sánh được với những nét thanh nét đậm, rồng bay phượng múa của con người. Đó là lý do mà nhiều người vẫn hay tìm đến ông Dũng “khắc chữ” – người có gần 40 năm “bán chữ đẹp”.
Tìm ông Dũng không khó, bởi ông chọn góc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Lê Lợi, Quận 1 để mưu sinh gần 40 năm nay, cũng là từng ấy năm ông ngồi ở góc đường này và chứng kiến nhiều thăng trầm của Sài Gòn. Vốn là dân kiến trúc ở Hà Nội nhưng vì tiếng gọi non sông, ông tạm dừng việc học và nhập ngũ vào Nam. Đầu những năm 80 ông Lê Tiến Dũng xuất ngũ và chọn mảnh đất Sài Gòn phồn hoa này là nơi lập nghiệp, cũng từ đó ông bắt đầu nghề khắc chữ.
Tôi tìm đến ông Dũng ngay lúc ông đang có 2 người khách, một người trẻ và một người đàn ông trung niên, họ cách nhau tuổi tác nhưng có 1 điểm chung là mê đắm nét chữ của ông Dũng. Họ như nín thở nhìn vào đôi tay thoăn thoắt và điêu luyện khi ông Dũng khắc chữ và rồi nhận lại món đồ trên tay, họ trầm ngâm vài phút mới thốt lên được: “Đẹp quá! Chữ của chú Dũng là số 1”. Chỉ bấy nhiêu đó cũng đủ để người thợ quên đi chuyện mưu sinh, mà thay vào đó là đặt sự say mê lên từng nét chữ.
Rồi cuộc trò chuyện của người nghệ nhân này với tôi cứ thi thoảng bị ngắt ngang bởi những người khách. Khách của ông quen có, lạ có, họ mang đến nào là bình gốm, ly sứ, tranh, bút máy và nhiều nhất là nhẫn. Một điều đặc biệt là khách chỉ cần nói ý tưởng và dòng chữ muốn khắc, rồi yên tâm chờ ông Dũng thổi hồn vào nét chữ. Mỗi sản phẩm của ông Dũng tạo ra chỉ cần tính bằng giây hoặc vài phút, có lẽ do sự điêu luyện theo thời gian và cũng một phần nhờ vào sự mày mò của ông. Ông tự chế ra 7 mũi khoan từ ống nhựa, những mũi kim nha khoa và chạy bằng ắc quy để có thể khoan trên mọi bề mặt, chất liệu. 7 mũi khoan này còn giúp nghệ nhân điêu khắc trên lanh sừng một số sản phẩm như tượng Phật, những chiếc trâm cài tóc hay mặt dây chuyền… Với ông Dũng, câu nói “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” quả không sai.
Nhịp nhàng, uyển chuyển và nghiêm khắc với chính mình, nhiều năm qua, người đàn ông khắc chữ ở góc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Lê Lợi đã trở thành hình ảnh được nhiều khách du lịch trong, ngoài nước yêu và nhớ. Với nghệ nhân Lê Tiến Dũng, điêu khắc những con chữ, những bức tượng là duyên, là nghiệp, là cả tâm huyết và đam mê. Vì vậy suốt gần 40 năm qua, Sài Gòn có bao thăng trầm đổi thay nhưng người khắc chữ này vẫn cứ lặng lẽ với cái nghề độc nhất nơi góc phố Sài thành.
“Tôi luôn muốn truyền cảm hứng cho những ai thích cái nghề này vì nó là hình ảnh rất đời của Sài Gòn mà tôi đã đeo đuổi suốt 40 năm qua. Chữ đẹp không chỉ ở hoa tay mà còn nhờ lòng yêu nghề, sự luyện tập, cố gắng luyện viết, viết theo mẫu này, biết đâu chữ đẹp cô còn đẹp hơn chữ tôi đấy”.