Tìm gặp người đàn ông gần 70 năm hớt tóc vỉa hè
02
07, 2024

Tìm gặp người đàn ông gần 70 năm hớt tóc vỉa hè

Bộ đồ nghề đặc biệt

Sau hơn 3 tiếng chạy xe rong ruổi khắp Sài Gòn để tìm chất liệu viết bài, tôi tình cờ gặp ông đang hớt tóc cho khách bên hông chùa Dược Sư trên đường Lê Quang Định, Quận Bình Thạnh. Lòng mừng húm vì thấy ông gật đầu chào tôi bằng một nụ cười rất tươi, chắc mẩm là một người dễ nói chuyện. Vừa gạt chân chống xe ngẩng lên, ông dúi vào tay tôi cuốn sổ với cây viết. Vẫn là nụ cười hiền, ông bảo: "Có việc gì không? Tôi bị điếc."

gap_nguoi_dan_ong_gan_70_nam_hot_toc_via_he.-03.jpg
Bồ đồ nghề "đặc biệt" của người thợ hớt tóc khiếm thính.

Người nói chuyện… một mình

Đón lấy cuốn sổ và viết ngắn gọn mấy dòng tự giới thiệu, tôi ra hiệu mời ông cứ tiếp tục công việc. “Cho cháu chụp ảnh nhé?”, tôi chỉ vào chiếc máy ảnh. Ông nhìn cuốn sổ rất lâu rồi lại cười: "Ôi dào, cái nghề này thì có gì mà tìm hiểu. Đợi tôi hớt tóc nốt cho khách đã." Rồi vừa làm, cứ đôi lúc ông lại tự nói. Ông tên Phạm Văn Phương, năm nay đã 90 tuổi, quê ở Sa Đéc, Đồng Tháp. Ngày trước thính giác ông vẫn bình thường, mấy năm gần đây mới không nghe được. Khăn gói lên Sài Gòn từ năm 17 tuổi, ông làm đủ thứ nghề như phu xe, khuân vác… Về sau, thấy nghề hớt tóc vỉa hè phát triển, ông theo người ta học rồi bắt đầu làm riêng từ năm 1954.

gap_nguoi_dan_ong_gan_70_nam_hot_toc_via_he.-02.jpg
Gặp ông đúng ngày đông khách, cuộc “nói chuyện” của chúng tôi cứ thi thoảng lại bị gián đoạn bởi những vị khách “chỉ cần một cái gật đầu là hiểu nhau”.

Tôi hỏi chú Hòa, khách hớt tóc của ông: “Sao chú chẳng cần viết sổ mà ông vẫn hiểu phải hớt thế nào ạ?”. Chú bảo: “Thì xưa giờ chú vẫn hớt mỗi kiểu đấy. Ông này cũng hay, nhìn mặt mình là biết hớt sao cho hợp. Thế nên thường chỉ có khách đến lần đầu mới cần viết chứ khách quen như chú, nếu không có gì thay đổi thì cứ cười chào nhau là… hớt thôi”.

gap_nguoi_dan_ong_gan_70_nam_hot_toc_via_he.-05.jpg
Đây là cách ông trao đổi cùng khách của mình.
gap_nguoi_dan_ong_gan_70_nam_hot_toc_via_he.-04.jpg
Nó đơn giản và mộc mạc như chính cái nghề, chính con người ông.

Thấy tôi cứ mân mê đọc mãi những dòng “trò chuyện” không đầu không cuối, ông bảo: "Cuốn này là cuốn thứ 3 rồi. Ấy là tôi còn nói được đấy chứ nếu mà cũng phải viết thì bao nhiêu cho vừa."

Người đứng nhìn Sài Gòn “lớn”

Đã gần 65 năm theo nghề hớt tóc vỉa hè, cũng là từng ấy năm ông đứng ở đây và chứng kiến Sài Gòn thay đổi. “Cái nghề này thế mà cũng có cái hay”, ông nói, “chỉ có đứng yên một chỗ mà tận đâu xa Quận 5, Quận 10… có chuyện gì cũng biết”, có khi cả những chuyện trong Nam, ngoài Bắc rồi đến chuyện chính trị, an ninh thế giới… cũng tường tận như mười đầu ngón tay. Bởi khách hớt tóc chỗ ông hầu như toàn khách quen, mỗi người đến tiệm là mỗi câu chuyện khác nhau, gọi là đi làm nhưng cũng là đi chơi, bầu bạn. Thế nên, từ những năm 50, hồi chùa Dược Sư vẫn còn là một ngôi chùa cũ chưa được trùng tu, hàng phượng trước mặt vẫn chưa được trồng hay Bình Thạnh vẫn còn lưa thưa nhà cửa… ông đã đứng đây nhìn Sài Gòn “lớn”. Nhà cửa cứ cao dần lên, phố xá cứ mỗi ngày một hiện đại, đến cả những người khách đã từng quen, rồi thất lạc nhau, rồi giờ gặp lại, chỉ vỏn vẹn dòng chữ “con ngày trước bán nộm bò khô ông còn nhớ con không?” – hẳn là họ trông cũng đã khác… Còn ông thì vẫn thế.

gap_nguoi_dan_ong_gan_70_nam_hot_toc_via_he.-06.jpg
Cùng với nghề hớt tóc vỉa hè, người đàn ông này đã chứng kiến biết bao thay đổi của Sài Gòn.

Người không chịu… ở không

90 tuổi - ở cái quãng người ta đã “tay run, chân chậm, mắt mờ”, ông vẫn nhanh nhẹn, minh mẫn và ngày ngày đạp xe ba cây số từ chợ Gò Vấp đến đây hớt tóc. Ông bảo “được nay đông khách thôi chứ bình thường thì không biết chừng”. Thế mà 65 năm hầu như chẳng mấy ngày ông nghỉ. Một tay ông hớt tóc mua được nhà đất ở Sài Gòn, cùng vợ nuôi hai người con khôn lớn đã yên bề gia thất. “Nghề này thế mà cũng kiếm được ông nhỉ?”, tôi ngạc nhiên. Ông lại cười lớn: “Có đâu mà kiếm được, đấy là cũng phải tích cóp lắm. Với lại ngày trước đất Sài Gòn còn rẻ, chứ giờ thì chịu”.

gap_nguoi_dan_ong_gan_70_nam_hot_toc_via_he.-07.jpg
90 tuổi nhưng ông vẫn chưa chịu về hưu, ngày ngày vẫn cọc cạch đap xe đến chỗ làm.

Hỏi ông chuyện kinh tế giờ đã dư dả rồi, ông tính khi nào thì nghỉ nhưng ông nói chắc vẫn sẽ làm cho tới lúc không còn sức nữa thì thôi, “vì quen rồi, không làm thì nhớ, ở không chịu không nổi”. Cũng đúng thôi. Vì đã “yêu” rồi thì có ai chịu ở không?

CHÚNG TÔI LUÔN Ở ĐÂY ĐỂ LẮNG NGHE BẠN

Trong tất cả các dự án - sản phẩm, chúng tôi luôn nỗ lực mang lại những sản phẩm chất lượng, cung cấp những dịch vụ làm tăng thêm giá trị của khách hàng.

Contact now (024) 35 190 879
Tìm gặp người đàn ông gần 70 năm hớt tóc vỉa hè