Những khám phá bất ngờ về tục thờ thạch linh cẩu của người Việt xưa

Chó là con vật gần gũi, thân thương với con người, nó đã đi vào văn hóa của các dân tộc trên đất Việt với những biểu hiện sinh động, phong phú từ ngàn xưa.

Hình ảnh Tuất – ông tổ chó xuất hiện nhiều trong các dân tộc Việt Nam như Xê Đăng, S’tiêng, Giẻ Triêng, Chăm, Dao, Lô Lô… trong đó truyền thuyết và phong tục gắn với ông tổ chó ở người Dao là rõ rệt, đặc sắc nhất. Người Dao xem chó là tổ tiên của mình và không bao giờ ăn thịt. Ngày nay, người Dao vẫn coi mình là con cháu của Bàn Hồ, do đó họ có tục thờ chó, trang phục mô phỏng chó hay trang trí hình chó và để tóc kiểu đuôi chó. Người Dao đỏ trong ngày cưới còn đội một chiếc mũ hình đầu chó, mặc váy có hình đuôi chó… Trên trang phục người Dao ta còn bắt gặp hình ảnh đôi chó ngộ nghĩnh quay lưng lại nhau.

Chó đá
Hình ảnh chó đá ở Nam Định.

Trong tộc người Cơ Tu, cho đến gần đây chỉ có người Pa Kô (một nhóm địa phương Tà Ôi) là còn giữ tục kiêng giết và ăn thịt chó như con vật tổ. Truyền thuyết của người Pa Kô kể lại rằng, bà tổ và ông tổ chó vẫn sống cùng nhau ở nơi đất liền với trời. Nhà gươl – nơi sinh hoạt cộng động và chốn linh thiêng của người Cơ Tu , tại chân cột có khắc hình mặt trời hướng ra cửa được coi là thần chó, có chức năng bảo vệ nhà gươl. Trên các bộ phận khác nhau của nhà gươl, hình chó cũng được khắc với nhiều dạng: đôi chó giao cấu, đôi chó cắn vào đầu và đuôi một con trăn…

chó đá
Hình ảnh điêu khắc chó đá và cá.

Trên trống đồng Đông Sơn và một số đồ đồng khác, con chó được khắc ở nhiều tư thế và trạng thái khác nhau như: con đang đuổi theo con mồi (trên rìu Trung Màu, Việt Trì và một số rìu khác) hoặc cùng con người vượt qua muôn trùng sóng gió trên những con thuyền lớn (trên trống đồng Ngọc Lũ).

Ở người Việt, hình thức chó đá giữ vai trò canh gác hay còn gọi “thạch linh cẩu” là khá phổ biến ở nông thôn. Ngay cả ở Hà Nội sau năm 1954, người ta còn thấy chó đá ở mé nam ngã tư Trung Hiền, do đó nơi đây được gọi là cửa ô Chó Đá. Đền Hai Bà Trưng (Hát Môn, Hà Nội) hiện còn đôi chó đá canh giữ đền thờ. Hay ở huyện Đan Phượng (Hà Nội) có hai nơi thờ phụng chó. Một bệ thờ chó đá ngoài vườn, trước cửa đình thôn Phù Trung, xã Thượng Mỗ. Một bệ thờ chó đá khác nằm cạnh quần thể di tích chùa Phúc Khánh và đình làng Địch Vĩ, xã Phương Đình. Thôn Yên Thị, xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) cũng thờ chó đá. Trẻ con và người già ở đây đều gọi chó đá là Cụ Thạch.

thờ chó đá
Nơi thờ chó đá thôn Trung Đông, Phú Thượng, Phú Vang 

Tại chùa Cầu (Hội An, Quảng Nam) hiện còn đôi chó khắc bằng gỗ ngồi chầu do các nghệ nhân làng mộc Kim Bồng tạo tác, là những tác phẩm tạo hình dân gian giàu tính độc đáo của cư dân Hội An. Có người cho rằng do chùa Cầu được xây dựng vào năm Tuất, nhưng đây là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Thực ra, con chó (cùng với con khỉ) theo quan niệm của người Nhật là linh vật có khả năng khống chế đối với thuỷ quái gây ra động đất ở Nhật Bản cũng như đảm bảo sự an toàn cho cảng thị Hội An. Theo truyền thuyết này, thì con thủy quái có tên gọi là Namazu (Nhật) hay Câu Long (Hoa) hoặc con (Việt), đầu của nó nằm ở dưới quần đảo Nhật Bản, đuôi ở Ấn Độ Dương và lưng của nó ở dưới khe nước của chùa Cầu.

tục thờ chó đá
Nơi thờ chó đá tổ 11, phường Thủy Dương, Hương Thủy

Còn chó đá trong tiếng Tày - Nùng đọc là ma hin. Ở phố Phai Món (phường Hoàng Văn Thụ, TP. Lạng Sơn), một phố cổ của xứ Lạng, người Nùng Cháo ở đây có tục chọn ngày tốt để đặt con chó đá trước cửa nhằm trừ tà và giúp trông nom nhà cửa. Ngoài ra, ở Lạng Sơn, nhiều nơi cũng có tục thờ chó đá như Chi Lăng, Đồng Mỏ, Khòn Lèng, Thất Khê, Tràng Định, Đồng Đăng, Cao Lộc…

Mới cập nhật