Qua Tân Bình, "lạc trôi" xứ Quảng giữa Sài Gòn

Người Quảng ở Bảy Hiền, khi giao tiếp với người cùng quê thì dùng giọng Quảng đặc sệt. Qua Tân Bình, chỉ được nghe, được “núa” (nói) tiếng Quảng là đã thấy quê nhà…

Nói đến khu vực Bảy Hiền, mọi người sẽ nhắc đến làng dệt Bảy Hiền nổi tiếng, là cái nôi của ngành dệt thủ công ở Sài Gòn - Gia Định. Ngày nay, dẫu tiếng máy dệt không còn rì rầm, nhộn nhịp như xưa nhưng nhiều người vẫn tìm về Tân Bình như một địa chỉ có “chất Quảng” nhất ở thành phố hơn 300 năm tuổi này.

món quảng
Lần nào cũng vậy, mỗi khi có bạn bè ngoài quê vào hoặc khi anh em đồng hương xứ Quảng tìm gặp được nhau giữa Sài Gòn thì có lẽ sau chầu cà phê ở khu Bàu Cát là phải gọi đặt ngay một bữa cơm thân tình.

 

Theo "Gia Định thành thông chí", người dân xứ Quảng có mặt ở Sài Gòn từ khi Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh đặt ra sở lỵ huyện Tân Bình năm Mậu Dần (1698). Nếu người dân từ các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Bình Định... thường tập trung tại các xóm lao động vùng Khánh Hội, Xóm Củi, Thủ Đức, Cô Giang thì người dân vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi lại tá túc tại khu vực Bảy Hiền, Bàu Cát. Sau năm 1975, vì lao động, mưu sinh, học hành, lập nghiệp… người Quảng di cư ồ ạt vào Nam để tạo lập cuộc sống mới, hình thành một khu dân cư mới với nhiều bản sắc của một cộng đồng người xứ Quảng.

Mì quảng
Mì Quảng của miền đất Quảng Nam như một nốt trầm lặng lẽ, mộc mạc như chính tính cách của người dân miền Trung bình dị, chất phác....

 

Người Quảng dù ở quận 8, Thủ Đức, Bình Tân, Tân Phú, Gò Vấp hay quận 12, khi muốn thưởng thức đặc sản xứ Quảng họ gần như đều tìm đến khu chợ Bà Hoa, khu Bảy Hiền (Tân Bình).

Đến chợ Bà Hoa, ngoài thưởng thức bê thui, lòng xào nghệ, bánh đập, mì Quảng, thì còn được thưởng thức giọng Quảng chân chất, mộc mạc, không khác gì lạc vào một chợ Quảng Nam cách Sài Gòn gần một ngàn cây số. Người dân Quảng ở Bảy Hiền, khi giao tiếp với người vùng khác thì tùy cơ ứng biến, nhưng khi nói chuyện với người dân “quê ta”, vẫn dùng giọng Quảng đặc sệt. Qua Tân Bình, chỉ được nghe, được “núa” (nói) tiếng Quảng là đã thấy quê nhà…

bún mắm nêm
Bún mắm nêm, món ăn danh bất hư truyền của người Quảng.

 

Có thể gọi khu Bàu Cát là Thiên đường ẩm thực của món Quảng. Các quán ăn phục vụ món Quảng nổi tiếng khu này có thể gọi tên như: mì Quảng Sâm, bún mắm nêm Dì Bảy, quán Quảng... với nhiều món ăn gợi nhớ quê hương.

thịt luộc mắm nêm
Giá cũng không quá đắt tiền cho những món mà nguyên phụ liệu phải được quán đặt mua tận từ quê nhà gởi vào, điều quan trọng nhất  là khách khi đến quán là đã được chia sẽ phần tình cảm quê hương đã gởi gắm vào từng món ăn.

 

 

Quán Quảng – đượm tình quê hương

Địa chỉ: 37 Bàu Cát 1, P.14, quận Tân Bình

Các món nên thử: hến xào Hội An, bún sắn Quế Sơn, cá chuồn nướng nén, cá diếc ra răm, cá nục cuốn bánh tráng sắn, lòng xào nghệ, gỏi cá hố khô…

Bún mắm nêm Dì Bảy

Địa chỉ: 168 Bàu Cát 2, P.13, Quận Tân Bình

Các món nên thử: Ngoài món danh bất hư truyền bún mắm nêm dùng với thịt heo luộc hoặc thịt heo quay được phối hợp với công thức pha mắm nêm tuyệt ngon của dì Bảy, quán phục vụ các món bún chả cá, bún cá, bánh canh, bánh tráng cuốn cá nục... Nếu thích ăn vặt bạn có thể gọi thêm bánh nậm, bánh lọc, hột vịt um bầu...

Mì Quảng Sâm

Địa chỉ: 8 Ca Văn Thỉnh, P.11, quận Tân Bình

Các món nên thử: mì Quảng tôm thịt, mì Quảng cá lóc, mì Quảng ếch, mì Quảng gà…

Mới cập nhật